Hội Chứng Cổ Vai Tay

Admin  17/09/2019       14:27

1. Khái niệm
- Hội chứng cổ vai tay là một khái niệm xuất phát bởi đau từ cột sống cổ lan xuống vai và lan tới một hoặc hai tay.
- Phần lớn các trường hợp là do chèn ép rễ thần kinh tủy sống ngay trong lỗ tiếp hợp hoặc ngoài lỗ tiếp hợp.


2. Triệu chứng
- Đau kiểu rễ cổ:
+ Khởi phát: Thường cấp tính, có thể liên quan đến chấn thương.
+ Vị trí đau: Thường xuất phát từ cổ gáy, lan xuống vùng liên bả cột sống rồi xuống vai, cánh tay và các ngón tay. Đau gây hạn chế các động tác vận động của cổ.
+ Tính chất đau: Thường đau sâu trong cơ xương, cảm giác nhức nhối khó
chịu.
+ Đau thường chiếm ưu thế ở gốc chi, kèm cảm giác tê bì và dị cảm ở đầu
chi. Đau tăng khi vận động, ho, hắt hơi là dấu hiệu đặc trưng do chèn ép rễ. Đau thường giảm khi điều trị bằng thuốc giảm đau, điều này khác với đau do căn nguyên chèn ép khác.
- Rối loạn cảm giác kiểu rễ:
+ Thường đi kèm với triệu chứng đau, bệnh nhân có cảm giác tê bì hoặc kiến bò ở khoanh da của rễ bị chèn ép. Vị trí rối loạn cảm giác có giá trị chẩn đoán định khu tốt khi xác định mức rễ bị tổn thương, ngón cái trong tổn thương rễ C6, ngón giữa trong tổn thương rễ C7, ngón út trong tổn thương rễ C8.
- Rối loạn vận động: Yếu một số cơ chi trên, hiếm khi bị liệt hoàn toàn,
hạn chế vận động do đau. Tổn thương C5 (yếu dạng vai), tổn thương C6 (yếu
gấp khuỷu), tổn thương C7 (yếu duỗi khuỷu), tổn thương C8 (yếu gấp và dạng
khép các ngón tay).
- Rối loạn phản xạ: Rối loạn phản xạ gân xương là bằng chứng khách quan của chèn ép rễ thần kinh. Khi khám có thể thấy giảm hoặc mất phản xạ gân cơ nhị đầu trong tổn thương rễ C5, phản xạ trâm quay trong tổn thương rễ C6, phản xạ gân cơ tam đầu trong tổn thương rễ C7.

Nguồn Quyết định số 3109/QĐ-BYT ngày 19/08/2014
của Bộ Y tế