Robot và trí tuệ nhân tạo tại nơi làm việc dành cho người khuyết tật

Admin  15/04/2020       14:28

Công nghệ mới sẽ làm nổi lên cuộc cách mạng cơ hội nghề nghiệp mở ra cho người khuyết tật. Hãy cùng phân tích các nghiên cứu mới nhất và các bước được thực hiện bởi một công ty đổi mới sáng tạo như Microsoft.

Robot và đặc biệt là những phát triển về trí tuệ nhân tạo cho robot có thể tạo ra cơ hội việc làm đầy ý nghĩa cho người khuyết tật. “Điều luật Dân sự trong lĩnh vực Robot” (Civil Law Rules on Robotics) - Nghị quyết của Nghị viện châu Âu tháng 2 năm 2017, tuyên bố rằng robot ngày nay không chỉ có thể thực hiện các hoạt động điển hình và riêng có của con người, mà còn phát triển các tính năng tự trị và nhận thức nhất định - ví dụ như khả năng học hỏi kinh nghiệm và đưa ra các quyết định hầu như là độc lập - đã khiến chúng ngày càng giống với các nhân tố có thể tương tác và biến đổi môi trường một cách đáng kể. Vì thế, Robot trở thành “bạn đồng hành” đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc phục hồi chức năng, mà còn trong việc chăm sóc và trở thành bằng hữu, “phục hồi sức khỏe” và “nâng cao” cuộc sống con người (trích dẫn Nghị quyết của Nghị viện Châu Âu); vì vậy “cần phải chú ý đặc biệt đến sự phát triển mối liên hệ tình cảm có khả năng xảy ra giữa con người và robot - đặc biệt là trong các nhóm dễ bị tổn thương (trẻ em, người già và người khuyết tật)”. Chúng tôi đã trao đổi với Furio Gramatica - Trưởng phòng Đổi mới Công nghệ và Đánh giá Công nghệ Y tế tại Don Carlo Gnocchi Foundation. Đây là Viện đi đầu trong các công nghệ đột phá và y tế thông minh, gần đây đã tham gia vào liên minh chiến lược với Viện Công nghệ Ý trong việc ứng dụng robot R1 trong lĩnh vực y tế. Robot R1 sẽ được “đào tạo” để gia nhập vào gia đình như một robot chăm sóc sức khỏe - phục hồi chức năng và gia nhập các phòng tập thể hình như một robot tập luyện phục hồi.


 

Cùng với Ông Gramatica, chúng tôi đã thử mường tượng về tương lai. “Trí thông minh nhân tạo sẽ thay đổi cách người khuyết tật tiếp cận thị trường lao động theo ba cấp độ: ngôn ngữ, môi trường và phát hiện thói quen,” ông Gramatica giải thích. Trong phương diện ngôn ngữ, việc sử dụng trí thông minh nhân tạo mà có thể hiểu ngôn ngữ tự nhiên - như công nghệ Siri mà chúng ta sử dụng trên điện thoại thông minh - tạo ra giao diện tương tác mạnh mẽ giữa một người suy giảm chức năng vận động và thế giới. Cả “lời nói và nhận dạng lời nói” và “tổng hợp tiếng nói” đều rất quan trọng đối với những người sử dụng công nghệ như một công cụ làm việc. “Khả năng dựa vào công nghệ mà hiểu được những gì chúng ta cần, chỉ đơn giản bằng cách sử dụng giọng nói, là một bước tiến tuyệt vời,” ông Gramatica nói.

Điểm thứ hai liên quan đến kiến ​​thức về môi trường, trong trường hợp này có hai kịch bản mở ra: một người ở nơi làm việc và một người đi các tuyến đường không lặp lại đến nơi làm việc hoặc đi công tác. “Điều này cần thực hiện ở các  thành phố thông minh và không gian thông minh xung quanh, và tập trung vào khả năng giao tiếp, kết nối với các đối tượng trong môi trường: làm việc trên cơ sở dữ liệu lớn, công cụ Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) cùng với dữ liệu không đồng nhất nhận được từ các đối tượng này, đánh giá nhiều biến số khác nhau trước khi đưa ra gợi ý phù hợp nhất cho người dùng, sau đó người dùng có thể quyết định có chấp nhận hay không,” ông Gramatica suy tưởng.

Và khi ở nơi làm việc? “Thông thường, môi trường hợp lý được xem xét khi thiết kế nơi làm việc cho người khuyết tật, chẳng hạn như tùy chỉnh theo công thái học “ergonomics” - khoa học thiết kế dụng cụ và không gian làm việc phù hợp với tâm sinh lý con người. Trong tương lai, môi trường hợp lý chắc chắn có sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo. Mục đích đối với người khuyết tật là kiểm soát tất cả các công cụ hỗ trợ một cách tập trung, và không có một công cụ trợ giúp cho mỗi một vấn đề đơn lẻ. Những gì được yêu cầu không chỉ đơn giản là một sự trợ giúp cho một vấn đề, bởi các nhu cầu và môi trường cũng phải được tính đến. Sự hỗ trợ có thể không đáp ứng đầy đủ nhu cầu nếu nhu cầu thay đổi. Việc cho phép người khuyết tật kiểm soát môi trường một cách tập trung giúp họ tương tác với một đối tượng (AI) mà có thể hiểu các chỉ thị và thực hiện hỗ trợ cần thiết. Do đó, AI trở thành nòng cốt của hệ thống, là người bạn đồng hành và là giao diện tương tác giữa các yêu cầu bên ngoài và nhu cầu tương tác với nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau.”

Lĩnh vực ứng dụng thứ ba liên quan đến phát hiện thói quen, một lĩnh vực đã được khoe khoang trong nhiều ứng dụng. Trên lĩnh vực này, robot trí tuệ nhân tạo trở thành một trợ lý cá nhân thực sự, quen thuộc với thói quen, các vấn đề và nhu cầu của người dùng: một kiểu “thư ký” – nhân vật hiện chỉ có ở các văn phòng cấp cao nhất mà người khuyết tật thường không thể mơ ước đạt tới. “Tuy nhiên, điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu,” ông Gramatica kết luận.

Có phải đây đơn thuần là một ý nghĩa viển vông? Ngược lại là đằng khác. Chẳng hạn, Microsoft đã thử nghiệm “Emma Watch” - thiết bị đeo giúp ngăn chặn các cơn run do bệnh Parkinson gây ra, vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm. “Emma Watch” trông giống như một chiếc đồng hồ đeo tay và được trang bị máy tính bảng có cơ chế điều khiển rung để ngăn chặn chứng run tay của bệnh nhân, thông qua sử dụng cảm biến và trí tuệ nhân tạo có khả năng phát hiện và theo dõi các triệu chứng phức tạp do bệnh gây ra. Ý tưởng ở đây là những rung động trên cổ tay có thể làm “dịch chuyển” sự chú ý của não bộ và kháng lại cơn run. Giải pháp là tạo ra thứ gì đó dễ đeo và sử dụng, nó không giống như một thiết bị y tế: nói tóm lại là một chiếc đồng hồ. Được phát triển bởi Haiyan Zhang, nhà nghiên cứu 39 tuổi và Giám đốc sáng tạo tại Microsoft Research, nó được đặt tên theo tên của người đầu tiên đeo: Emma Lawton - nhà thiết kế đồ họa 33 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh Parkinson năm 2013, người đã thấy sợi dây cứu sinh của cô ấy - khả năng viết chữ và vẽ các đường nét - biến mất trong phút chốc. Trong nhiều năm, Emma đã không thể viết tên của mình. Nhưng hiện tại cô ấy có thể viết nó rõ ràng. Lần đầu tiên Emma đeo chiếc đồng hồ mang tên mình vào tháng 6 năm 2016: đó là lần đầu tiên cô được quay phim, và cô ấy đã hoàn thành bộ phim tài liệu của BBC có tên “The Big Life Fix”.

Trong hơn một năm nay, Emma Lawton đã đeo chiếc Emma Watch tại nơi làm việc: cô ấy thiết kế các ứng dụng và tiện ích cho bệnh nhân Parkinson ở Anh, và cũng là tư vấn cho một công ty đang thúc đẩy ngành du lịch theo hướng cuộc cách mạng kỹ thuật số. “Thiết bị không làm cơn run của tôi ngừng lại. Nó cho tôi một vài quyền kiểm soát tại nơi đó”. Emma viết dòng chữ “it's not going to be perfect. But, my God, it's better”. (hình ảnh Emma viết mà không có thiết bị và với thiết bị như dưới đây). Zhang đang nghiên cứu phát triển công nghệ hơn nữa, khám phá việc sử dụng cảm biến và trí thông minh nhân tạo để phát hiện và theo dõi các triệu chứng phức tạp do Parkinson gây ra, ví dụ như cứng cơ, cử động chậm chạp, nguy cơ té ngã và chứng run.

Một dự án nghiên cứu khác của Microsoft là “Seeing AI”, liên quan đến việc sử dụng ứng dụng, máy ảnh thông minh và điện thoại di động để cung cấp cho người mù thông tin và mô tả về thế giới xung quanh: nó nhận diện khuôn mặt của mọi người, mô tả các nét đặc trưng của họ, dự đoán tuổi tác gần đúng và cảm xúc họ thể hiện; nó cho phép người dùng “đọc” một tài liệu bằng cách chụp ảnh tài liệu đơn giản bằng cách chụp ảnh; nó xác định các sản phẩm thông qua mã vạch; và nó mô tả các hình ảnh xuất hiện trong các ứng dụng như Twitter hoặc WhatsApp và trong email.



 

Theo Idaho Chiropractic Group