Phương pháp tự phục hồi cột sống và nâng cao trí lực bằng con lăn sức khỏe Việt Nam

Admin  02/10/2019       13:05

    Trong tạp chí PHỤC HỒI CHỨC NĂNG số 5 chúng tôi đã giới thiệu quá trình hình thành và cơ chế tác dụng của phương pháp này. Trong số này, chúng tôi xin giới thiệu tiếp hai bài ứng dụng cơ bản tự điều trị thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) đốt sống thắt lưng bằng con lăn “Sức khỏe Việt Nam”.

    Để đạt được kết quả trong tự chữa bệnh và nâng cao sức khỏe phải nắm chắc, vận dụng thuần thục 4 tác động cơ bản sau đây trước khi thực hiện các bài ứng dụng đó là: Tì, Lăn, Day và Kéo giãn.

1. TÌ. Trọng lượng của mặt sau cơ thể như gáy, lưng, bắp chân luôn đè lên con lăn; ngược lại, ở phần trước như mặt, ngực, bụng, đùi trước thì trọng lượng của con lăn và lực của hai tay ấn xuống hoặc nằm xấp đặt con lăn dưới bụng để lăn, day.

2. LĂN. Lực của chi dưới và thân tác động đẩy con lăn di động tại từng điểm (lăn cục bộ và con lăn chỉ di động lặp đi lặp lai khoảng 5 cm). Lăn đoạn dài thì lăn đoạn từ khoeo đến mông, từ mông đến gáy, từ ngực tới bờ mu... cần lưu ý, khi lăn từ mông đến khoeo thì dùng lực đẩy của hai tay và của thân; ngược lại, lăn từ mông đến gáy thì dùng lực co duỗi, đẩy của chi dưới.

3. Day. Con lăn ở vị trí cố định, dùng lực của chi dưới và của thân đẩy sang phải, sang trái để day ngang hoặc thân khẽ lắc vòng để day tròn. Ở sống lưng thi con lăn đặt dọc cột sống, dùng lực co, duỗi của chi dưới để day dọc.

4. KÉO GIÃN. Tác động này áp dụng ở cột sống trong các trường hợp thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, vẹo cột sống... Nếu bênh lý xảy ra ở đốt ngực và thắt lưng thì với tư thế nằm thẳng, con lăn đặt ở vị trí xương cùng cụt, hai gan bàn tay đặt vào hai đầu con lăn dùng lực của hai tay và gan bàn tay đẩy xuống phía dưới. Nếu xảy ra ở đốt sống cổ thì đặt con lăn dưới gáy và đẩy lên phía trên.

I. BÀI ỨNG DỤNG CƠ BẢN THỨ NHẤT (LĂN, DAY, KÉO GIÃN CỤC BỘ)

    Khi đã thuần thục 4 tác động trên, chỉ cần đặt con lăn vào các điểm và các trọng điểm (nơi có biểu hiện bệnh lý) là có thể thao tác bài ứng dụng cơ bản thứ nhất một cách dễ dàng.

Nội dung bài ứng dụng cơ bản thứ nhất:

1. Nằm. Đặt con lăn nằm ngang đỉnh đầu lăn, day vào đại huyệt Bách hội (Luân xa 7). Tác dụng chữa stress, đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiền đình... Thời gian 60 giây.

2. Ngồi. Cẳng chân và đùi gấp thành góc 120 độ, hai bàn chân đặt vào phần gai của con lăn, lăn, day vào huyệt Dũng Tuyền và các điểm phản xạ ở gan bàn chân. Chữa mất ngủ, tăng huyết áp, hysteria, bí đái. Thời gian 60 giây.

3. Nằm. Đưa con lăn lên điểm giữa của bắp chân lăn, day vào huyệt Thừa Sơn, cơ cẳng chân, thần kinh chày, mác. Chữa chuột rút, teo cơ, ứ trệ tuần hoàn chi dưới. Thời gian 60 giây.

4. Nằm. Đưa con lăn lên khoeo chân lăn, day vào huyệt ủy Trung, các gân của cơ bán mạc, điểm tận cùng của thần kinh tọa. Chữa đau dây thần kinh tọa, đau khớp gối. Thời gian 60 giây.

5. Nằm. Đưa con lăn lên điểm giữa đùi lăn, day vào huyệt Ân Môn, cơ tứ đầu đùi... thần kinh tọa, các nhánh của thần kinh đùi. Chữa đau thần kinh tọa, teo cơ, đau thắt lưng. Thời gian 60 giây

6. Nâng mông đưa con lăn lên vùng xương cụt lăn, day vào đại huyệt Trường Cường (Luân xa 2), day nghiêng sang phải, sang trái vào huyệt Trường Cường, Hoàn Khiêu, đám rối cùng và các cơ mông. Chữa rối loạn chức năng tiết niệu, sinh dục, đái khó, phì đại tuyến tiền liệt. Thời gian 60 giây

7. Nâng mông đưa con lăn lên sát bờ trên xương chậu lăn, day vào đại huyệt Mệnh Môn (Luân xa 3), Thận Du, Chi Thất, các rễ thần kinh, các cơ cột sống, đồng thời ứng dụng thao tác giữ nhiệt trong 30 giây (khi sử dụng con lăn nhiệt) kéo giãn cột sống thắt lưng trong trường hợp có thoái hóa, thoát vị đĩa đệm... Chữa thoái hoá đốt sống, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, rối loạn tiêu hóa... Thời gian 120 đến 180 giây.

8. Ngồi dậy đưa con lăn lên giữa xương bả vai, ngả người lăn, day vào huyệt Tâm Du, Luân xa 4 các huyệt Phế Du, Quyết Âm Du... các dây thần kinh tủy sống và các cơ lưng. Chữa bệnh tim mạch, hô hấp. Thời gian 60 giây.

9. Chuyển con lăn lên bờ trên xương bả vai, lăn, day vào đại huyệt Đại Chùy (Luân xa 5), Phong Môn, Huyết áp điểm..., các dây thần kinh tủy sống và các cơ thang. Chữa vẹo cổ, đau gáy. Thời gian 60 giây.

10. Chuyển con lăn lên gáy, lăn, day vào huyệt Phong Phú, Phong Trì... các dây thần kinh sọ não, các cơ bậc thang, ức đòn chũm, đồng thời ứng dụng thao tác giữ nhiệt trong 30 giây (khi sử dụng con lăn nhiệt) rồi kéo giãn đốt sống cổ trong trường hợp có thoái hóa, thoát vị đĩa đệm... ở vùng cồ. Thời gian 120 giây

II. BÀI ỨNG DỤNG CƠ BẢN THỨ HAI (LĂN, DAY TỪNG ĐOẠN)

1. Lăn từ mông đến khoeo và ngược lại. Ngồi, đặt con lăn ở đoạn giữa đùi, hai tay chống sang hai bên, nâng mông, hai chân duỗi thẳng, dùng lực của hai tay đẩy cơ thể ngả về phía trước, con lăn sẽ di chuyển đến lằn mông, sau đó dùng lực của hai tay và thân co lại, con lăn lại di chuyển về khoeo, cứ như thế lặp đi lặp lại 10 lần, tác động vào các huyệt Ân Môn, Thừa Phủ, thần kinh toạ, các nhánh của thần kinh đùi và các gân cơ của đùi

2. Lăn từ xương cùng đến gáy. Ngồi, chân và đùi gấp tạo thành góc 120 độ, đặt con lăn sát vào đùi, nằm xuống, nâng mông lên, dùng tay đưa con lăn lên giữa lưng, dùng lực co, duỗi của chi dưới đẩy con lăn di chuyển xuống xương cùng rồi từ xương cùng đến gáy, lặp đi lặp lại 10 lần.

3. Lăn dọc cột sống. Con lăn nằm dọc sàn tập, ngồi vào vị trí đầu mút con lăn, từ từ nằm xuống, hai khuỷu tay chống xuống mặt sàn, dùng lực của thân đẩy con lăn di chuyển sang phải, sang trái, lặp đi lặp lại 10 lần để tác động vào các huyệt của mạch Đốc, kinh Túc Thái Dương bàng quang, kinh Hoa Đà giáp tích, các dây thần kinh tủy sống, cột sống và các cơ lưng.

4. Day dọc cột sống, vẫn tư thế trên đặt con lăn vào giữa cột sống, dùng lực của hai chân đẩy lên, đẩy xuống để day vào mạch Đốc, di chuyển con lăn sang cơ lưng phải, trái để day vào các kinh và các thành phần như trên. Mỗi thao tác lặp đi lặp lại 10 lần.

5. Lăn, day bụng. Nằm ngửa, đưa con lăn lên bụng, hai bàn tay đặt vào hai đầu, dùng lực của tay đẩy con lăn di chuyền từ mỏm xương ức xuống bờ mu rồi từ bờ mu lên xương ức, lặp đi lặp lại 10 lần. Sau đó, dùng lực của tay và con lăn ấn xuống day vào các huyệt của mạch Nhâm, thần kinh, cơ, mô mỡ.

Nguyễn Ngang

Nguồn: Tạp chí Phục hồi chức năng, Số 6 - 6/2018, Trang 10