Đáp ứng về mặt sinh lý thần kinh trong phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ - Phần 2/2

Admin  25/09/2019       11:23

Đáp ứng về mặt sinh lý thần kinh đối với các bài tập thăng bằng, điều hợp và tăng cường sức mạnh cơ trong phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ (Phần 1)

TẬP THEO TẦM VẬN ĐỘNG THỤ ĐỘNG:

Tầm vận động thụ động là dùng ngoại lực để di chuyển một bộ phận cơ thể khác với vận động chủ động. Ví dụ: bệnh nhân dùng tay lành di chuyển tay liệt, kỹ thuật viên hoặc người chăm sóc di chuyển chi bị liệt cho bệnh nhân hoặc dùng máy. Tập theo tầm thụ động rất quan trọng để duy trì các khớp linh hoạt và ngăn ngừa co rút. Co rút xảy ra khi có sự thay đổi cấu trúc của phần mềm như co rút cơ và gân quanh khớp gây hạn chế vận động. Cần tập vận động thụ đông ngay cả khi bệnh nhân liệt hoàn toàn vì co cứng, co rút sẽ làm tổn thương da, kích thích mô, đau, giảm lưu lượng máu và di chứng khi cơ phục hồi trở lại. Co rút cũng ảnh hưởng đến các hoạt động đời sống hàng ngày như vệ sinh, mặc quần áo, cắt móng tay.

Không cố ép vận động nếu thấy có kháng trở hoặc bệnh nhân đau. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu hoặc hoạt động trị liệu có thể hướng dẫn cho người chăm sóc cách thực hiện tập theo tầm vận động thụ động bệnh nhân đột quỵ.

TẬP THEO TẦM VẬN ĐỘNG CHỦ ĐỘNG:

Tập chủ động theo tầm vận động có trợ giúp là hỗ trợ vận động chi bị liệt. Bên bị liệt không thực hiện được toàn bộ động tác. Ví dụ: bệnh nhân chỉ có thể nâng cánh tay một phần và kỹ thuật viên sẽ hỗ trợ nâng cánh tay hơn nữa (hoặc dùng tay bên lành đỡ bên liệt). Tập vận động có trợ giúp theo tầm vận động áp dụng để tăng cường sức mạnh bên chi liệt chưa phục hồi đầy đủ. 

BÀI TẬP THEO TẦM VẬN ĐỘNG CHỦ ĐỘNG:

Tập theo tầm chủ động (AROM) khi bệnh nhân có thể  tự di chuyển một bộ phận cơ thể mà không cần sự trợ giúp. Bệnh nhân đột quỵ có thể có bên liệt không đủ khỏe để tập có kháng trở và có thể tập theo tầm chủ động. AROM giữ cho khớp linh hoạt, tăng sức mạnh và sức bền cơ. Bấm vào đây để xem ví dụ bài tập AROM của chân.



- Tập có kháng trở: 
Các bài tập phục hồi cho bệnh nhân đột quỵ thường bao gồm các bài tập tăng cường sức mạnh cơ trong tập có kháng trở. Các bài tập này tăng dần cường độ và trọng lượng để mạnh cơ. Có nhiều dụng cụ để tập tăng cường sức mạnh cơ bao gồm dây chun, thanh tạ, ống tạ, và máy tập thể dục. Bấm vào đây để xem ví dụ về các bài tập tăng cường sức mạnh cánh tay.


 

- Tập kéo dãn: 
Cơ thường trở nên căng cứng hoặc tăng trương lực sau đột quỵ. Kéo giãn hoặc các bài tập linh hoạt có thể giúp ngăn ngừa co cứng và co rút. Đôi khi tập kéo giãn không có hiệu quả và bệnh nhân có thể cần nẹp để  kéo giãn cơ và khớp.  Tập linh hoạt qua các bài tập Yoga, Pilates và Dưỡng sinh, nhưng bệnh nhân đột quỵ cần phải có người  hướng dẫn có kinh nghiệm điều trị bệnh nhân khuyết tật / rối loạn vận động vì các bài tập phải được cải tiến an toàn.

- Bài tập chịu trọng lực:
Các bài tập chịu trọng lượng có thể hơi xa lạ với bệnh nhân nhưng  là một trong những bài tập quan trọng nhất cần thực hiện. Tập chịu trọng  lượng có thể giúp cải thiện thăng bằng, giảm tăng trương lực cơ do đột quỵ và tăng cường sức mạnh cơ. Một trong những lý do quan trọng nhất để tập chịu trọng lượng là để phòng loãng xương. Bệnh nhân đột quỵ có xu hướng dồn toàn bộ trọng lượng lên bên không liệt, và bên liệt có thể giảm mật độ xương. Loãng xương khiến nguy cơ gãy xương cao hơn. Điều quan trọng là phải tập chịu trọng lượng cho cả tay và chân.
 

- Vận động xương bả vai: 
Các cơ bám vào xương bả vai thường bị ảnh hưởng sau đột quỵ - cơ  có thể yếu hoặc tăng trương lực. Nếu bệnh nhân không thể di chuyển khớp vai đúng cách, bệnh nhân không thể nâng cánh tay lên cao. Nếu xương bả vai  không ổn định, thì cử động cánh tay có thể bị giật hoặc mất kiểm soát. Các bài tập vận động khớp vai giúp di chuyển xương bả vai  hoặc cải thiện tầm vận động của khớp vai và giảm đau.

- Tập thăng bằng:

Bệnh nhân đột quỵ thường có thăng bằng kém. Khi bệnh có thăng bằng kém, đầu tiên phải tập khả năng duy trì thăng bằng khi ngồi. Bài tập giữ thăng bằng tập trung vào việc tăng cường sức mạnh cơ thân mình. Bài tập thăng bằng sẽ giúp cải thiện khả năng của bệnh nhân khi đứng tại chỗ, đi bộ hoặc thực hiện các động tác mà không mất thăng bằng. Bài tập thăng bằng rất quan trọng trong việc giúp đề phòng  ngã. Nhấn vào đây để xem ví dụ về các bài tập thăng bằng.



- Vận động tinh và thô:
Các bài tập điều hợp trong kỹ năng vận động thô nhấn mạnh vào việc tinh chỉnh vận động các cơ lớn như trong đi bộ, ném và di chuyển chi theo cách phối hợp.

Kỹ năng vận động tinh liên quan đến sự khéo léo của bàn tay, rất quan trọng để nhặt đồ vật, tự ăn, cài quần áo, viết và nhiều hoạt động khác. Các bài tập vận động tinh giúp bệnh nhân cải thiện việc dùng bàn tay để thao tác với các vật nhỏ. Nhấn vào đây để xem các bài tập tay.

- Liệu pháp cưỡng bức: 
Liệu pháp cưỡng bức (CIMT) có thể áp dụng trong phục hồi đột quỵ, trong đó hạn chế vận động của bên không bị ảnh hưởng và ép buộc liệt. Kỹ thuật này được phát triển bởi Edward Taub và cộng sự tại Đại học Alabama ở Birmingham (UAB), dùng đai hoặc dây buộc để hạn chế vận động trong 90% thời gian thức của cánh tay không bị ảnh hưởng, trong khi cố gắng sử dụng nhiều hơn cánh tay bị ảnh hưởng. CIMT đã sửa đổi (mCIMT) cũng đã được Stephen Page và các cộng sự phát triển với thời gian cưỡng bức ít hơn có các nguyên tắc giống như CIMT nhưng với thời gian ít hơn CIMT truyền thống.

- Các bài tập mắt: 
Bệnh nhân đột quỵ có thể có các vấn đề về thị giác như mất thị trường, mất nhận định không gian, liệt vận nhãn hoặc nhìn đôi. Các bài tập mắt có thể cải thiện các những khiếm khuyết thị giác trên. Tập thị lực thường bị bỏ qua trong phục hồi đột quỵ. Nếu bệnh nhân có các khiếm khuyết về thị lực, chúng ta cần tham khảo hoạt động trị liệu hoặc bác sĩ nhãn khoa về các bài tập mắt. Một nghiên cứu năm 2009 cho thấy bệnh nhân tham gia trong điều trị thực sự đã phục hồi được một phần trường thị giác sau khi thực hiện các bài tập về mắt trong một thời gian.


- Cải thiện về cảm giác, nhận cảm: 
Sau đột quỵ, bệnh nhân có thể bị giảm cảm giác, tê bì. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn nếu mất cảm giác ở bên liệt. Triệu chứng giảm cảm giác có thể là giảm cảm giác nóng / lạnh, đau, cảm giác nông, sâu. Bệnh nhân đột quỵ cũng có thể không thể phân biệt được cảm giác vị trí của chi thể (ví dụ chạm vào khuỷu tay có cảm giác giống như ở cánh tay trên). Cảm giác giảm ảnh hưởng đến sử dụng bàn tay cầm nắm, làm rơi đồ vật, gặp khó khăn trong vận động tinh và có nguy cơ bị bỏng. Các bài tập cảm giác, nhận cảm để cải thiện cảm giác và chức năng bàn tay.

- Tập nuốt: 
Rối loạn nuốt có thể là rất nghiêm trọng thậm chí đe dọa đến tính mạng.Bệnh nhân có thể bị sặc nếu thức ăn hoặc đồ uống đi vào phổi chứ không phải dạ dày, vày có thể dẫn đến viêm phổi do hít. Kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu được đào tạo có thể giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng nuốt. Ngôn ngữ trị liệu cũng có thể đề nghị chế độ ăn phù hợp để ngăn ngừa hít sặc. Điều trị bao gồm thay đổi tính chất thức ăn lỏng đặc, thức ăn xay nhuyễn hoặc thậm chí ăn qua sonde nếu bệnh nhân có rối loạn nuốt nặng. bệnh nhân có thể không nhận biệt được bị sặc vì vậy phải làm nghiên cứu về nuốt sau đột quỵ và thực hiện các bài tập do ngôn ngữ trị liệu chỉ định.

- Tập nhận thức: 
Các bài tập để cải thiện nhận thức có thể tập trung vào trí nhớ, giải quyết vấn đề, lý luận, làm theo hướng dẫn, tự thực hiện hoạt động và khả năng hiểu. Kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu sẽ điều trị cho bệnh nhân trong các bài tập này, nhưng các nhà hoạt động trị liệu cũng có thể tập nhận thức cho bệnh nhân trong các hoạt động đời sống hàng ngày như thanh toán hóa đơn, nấu ăn và các hoạt động làm việc hằng ngày. Có nhiều ứng dụng điện thoại di động và các trang web trực tuyến giúp tập não, nhưng những bài tập trực tuyến này có thể không cải thiện chức năng hàng ngày, vì vậy tốt nhất là thực hành nhận thức dựa trên thực tế thay vì chỉ tập trên các hoạt động trên máy tính.


Tập ngôn ngữ: 
Các bài tập để cải thiện khả năng nói nhằm cải thiện khả năng phát âm do liệt các cơ hàm mặt và lưỡi hoặc cải thiện khả năng nhớ lại hoặc hiểu từ. Bệnh nhân đột quỵ có thất ngôn, hay thất ngôn tiếp nhận hoặc rối loạn phát âm đều cần ngôn ngữ trị liệu. 

- Các bài tập phục hồi đột quỵ khác: 
Các bài tập phục hồi đột quỵ khác bao gồm sử dụng công nghệ và robot, dùng gương, hình ảnh được phân loại, v.v. Có rất nhiều thiết bị trên thị trường hiện nay để giúp phục hồi đột quỵ cũng như các bài tập phục hồi đột quỵ khác đang được phát triển.

- Phương tiện tập tại nhà: 

- Đạp xe: Có thể được đặt trên bàn để sử dụng cho tay và cánh tay hoặc đặt trên sàn để tập thể dục cho chân.
-Thiết bị tập bàn tay và slime: dùng để tăng cường sức bóp và miết.


- Tập sức mạnh cơ: Dây chun, tạ đơn, băng tạ cổ tay, cổ chân.

- Tập điều hợp: chốt, hạt viền, túi đậu, kẹp quần áo, bóng lăn.

- Ván trượt cánh tay: hỗ trợ tầm vận động cánh tay.


- Các đồ vật gia dụng khác: Bên cạnh các thiết bị tập thể dục tại nhà được đề cập ở trên, chúng ta cũng có thể sử dụng các vật dụng đơn giản xung quanh nhà cho các bài tập trị liệu. Ví dụ về các vật dụng bạn có thể có xung quanh nhà để phục hồi đột quỵ bao gồm:
 
- Bóng (i.e. bóng đá, bóng chuyền) - Chúng có thể được sử dụng như tạ cho tay yếu, lăn tay, tập song song như nâng bóng hoặc các hoạt động phối hợp như bắt, ném hoặc đá bóng.
- Vật dụng sửa chữa trong nhà (i.e. ốc, vít, tuốc nơ vít) - Các công cụ có thể được sử dụng để phối hợp vận động tinh cho bệnh nhân đột quỵ có cử động tay nhưng thiếu chất lượng vận động.
 
NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA TẬP LUYỆN TIM MẠCH, BÀI TẬP CƠ VÀ TẬP LUYỆN ĐỘ LINH HOẠT.


KẾT LUẬN


Mục đích của các bài này là để thảo luận về sự thích ứng thần kinh của hệ thần kinh trung ương với các khả năng phục hồi khác nhau và điều trị các biến chứng co cứng bằng các kỹ thuật vật lý trị liệu khác nhau. Các kỹ thuật của Bobath và Vojta được thảo luận trên quan điểm sinh lý thần kinh hiện tại. Nguyên tắc cơ bản của các bài tập PHCN tim mạch, tăng cường sức mạnh cơ và độ linh hoạt cũng được trình bày. Tập với dụng cụ đã được đề cập và giá trị của chúng trong điều trị.
Cảm ơn bạn đã quan tâm!


THAM KHẢO

Abraham W. C., Bear M. F. (1996). Metaplasticity: the plasticity of synaptic plasticity. Trends Neurosci. 19, 126–130. 10.1016/s0166-2236(96)80018-x 
Bolognini N., Russo C., Edwards D. J. (2016). The sensory side of post-stroke motor rehabilitation. Restor. Neurol. Neurosci. 34, 571–586. 10.3233/rnn-150606 
Borich M. R., Brodie S. M., Gray W. A., Ionta S., Boyd L. A. (2015). Understanding the role of the primary somatosensory cortex: opportunities for rehabilitation. Neuropsychologia 79, 246–255. 10.1016/j.neuropsychologia.2015.07.007
Hesham Galal Mahran , EmadTawfik Ahmed , Shamekh Mohammed El-Shamy and Amir Abdel-Raouf El-Fiky. Department of Physical Therapy, Faculty of Applied Medical Sciences, Umm Al-Qura University, Saudi Arabia. Department of Physical Therapy, Faculty of Applied Medical Sciences, Taif University, Saudi Arabia. Department of Physical Therapy for Neuromuscular Disorders and Its Surgeries, Faculty of Physical Therapy, Cairo University, Egypt.2016
Neva J. L., Brown K. E., Feldman S. J., Staines W. R., Boyd L. A. (2018). Sensorimotor integration in chronic stroke: baseline differences and response to sensory training. Restor. Neurol. Neurosci. 36, 245–259. 10.3233/RNN-170790 
Spalletti C., Alia C., Lai S., Panarese A., Lamola G., Bertolucci F., et al. . (2017). Neuroplastic changes following brain ischemia and their contribution to stroke recovery: novel approaches in neurorehabilitation. Front. Cell. Neurosci. 11:76. 10.3389/fncel.2017.00076 
Taube, W., Université de Fribourg) Neurophysiological Adaptations in Response to   Balance Training, Article in Deutsche Zeitschrift für Sportmedizin 63(9):273-277 · January   2012


 
Nguồn: Dr. Med. Norbert Moos (Germany)